Chính trịBảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Bảo vệ thành tựu chống tham nhũng trước luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch (*)

14:54 - Thứ Tư, 10/01/2024 Lượt xem: 1572 In bài viết

Lợi dụng một số vụ việc tham nhũng, tiêu cực, sự thoái hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên được phát hiện trong thời gian gần đây, các thế lực thù địch đã lớn tiếng quy chụp đó là bản chất, là căn bệnh nan y không thể khắc phục của chế độ.

Chúng liên tục đưa ra những luận điệu xuyên tạc nhằm chống phá Đảng, Nhà nước, phủ nhận kết quả phòng, chống tham nhũng. Đấu tranh với những luận điệu sai trái này là trách nhiệm không chỉ của mỗi cán bộ, đảng viên.

Quang cảnh hội thảo “Thực trạng và giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên trong tình hình mới” do Viện Khoa học tổ chức, cán bộ (Ban Tổ chức Trung ương) phối hợp với các cơ quan tổ chức. Ảnh: Ngọc Anh

Sự xuyên tạc trắng trợn, phản khoa học

Trong bài “Thuốc đặc trị chữa tham nhũng: Thay đổi thể chế” của Trần Ngọc Tuấn trên RFA ngày 23-6-2022 đã đặt ra câu hỏi “Liệu có diệt được tham nhũng trong thể chế hiện hành hay không?”, từ đó người này lớn tiếng khẳng định: Muốn chống tham nhũng phải thay đổi hoàn toàn cơ chế hiện tại của Việt Nam… Chỉ khi nào ở Việt Nam có chế độ đa đảng, nạn tham nhũng mới có thể dẹp bỏ. Đây cũng là luận điệu được lặp đi lặp lại trong các bài viết của Võ Thị Hảo trên một số trang mạng. Để củng cố cho luận điểm này, chúng rêu rao “Việt Nam nhiều năm qua ra quyết tâm chống tham nhũng nhưng vẫn có hàng trăm cán bộ cấp cao bị kỷ luật bằng nhiều hình thức do tham nhũng”.

Luận điệu quy kết tham nhũng gắn với bản chất chế độ xã hội là sự xuyên tạc trắng trợn, phản khoa học, bởi:

Thứ nhất, tham nhũng là khuyết tật của xã hội, xuất hiện ở mọi quốc gia. Theo thống kê trong giai đoạn 2003-2011, Thụy Điển có 1.248 vụ việc bị cáo buộc tham nhũng liên quan đến mua sắm công, cấp giấy phép, các vấn đề quy hoạch… Theo báo cáo dựa trên phân tích số liệu thống kê tham nhũng khu vực công do Bộ Tư pháp Mỹ công bố: "Số liệu cụ thể và tầm cỡ chính trị của các quan chức dân cử Illinois và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, những người bị liên đới, truy tố hoặc bị kết tội vào năm 2020 là đáng kinh ngạc". Báo cáo năm 2020 cho thấy, chỉ riêng bang Illinois có 31 trường hợp bị kết án tham nhũng khu vực công…

Thứ hai, nếu tham nhũng chỉ có ở những nước đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, gắn với sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản thì sẽ không có sự tồn tại của Tổ chức Minh bạch quốc tế, cũng không có sự kiện tháng 12-2003, đại diện hơn 120 nước trên thế giới đã họp tại Mexico để thông qua Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng, cũng không có Ngày Quốc tế chống tham nhũng 9-12.

Nhìn vào chỉ số cảm nhận tham nhũng do Tổ chức Minh bạch quốc tế đưa ra năm 2021, Việt Nam đạt 39/100 điểm, xếp thứ 87/180 quốc gia được đánh giá thì chắc chắn, luận điệu cho rằng tham nhũng là bản chất, chỉ có ở các nước xã hội chủ nghĩa, trong đó có Việt Nam, thật khôi hài, không có căn cứ trên cả phương diện lý luận và thực tiễn.

Có phải phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam là thanh trừng nội bộ?

Để phủ nhận những thành tựu trong công cuộc phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam, các thế lực thù địch lại tiếp tục đưa ra luận điệu chống tham nhũng ở Việt Nam chẳng qua chỉ là trò “đấu đá nội bộ”, “tranh giành quyền lực giữa các nhóm lợi ích trong Đảng”, “trò đánh trống, khua chiêng nhằm che mắt thế gian”. Đài RFA đăng tải bài viết với nhan đề: “Có ai tin câu: Chống tham nhũng ở Việt Nam không có vùng cấm”; hay VOA là: “Một cuộc “thanh trừng” trong Đảng ở Việt Nam”… Tất cả chỉ là những luận điệu xuyên tạc nhằm hạ thấp uy tín của Đảng, đánh mất niềm tin của quần chúng nhân dân vào công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta.

Tham nhũng được Đảng và Nhà nước ta xác định là “quốc nạn”, là “giặc nội xâm”, cản trở tiến trình phát triển của đất nước, thậm chí là một trong các nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ. Vì thế, nhất định phải kiên quyết đấu tranh loại bỏ hiện tượng này ra khỏi đời sống xã hội. Để giải quyết vấn đề này, cần quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cả quốc gia, dân tộc, đó hoàn toàn không phải là thanh trừng nội bộ hay tranh giành quyền lực giữa các nhóm lợi ích như các thế lực thù địch đã rêu rao. Bởi:

Thứ nhất, Đảng xác định phòng, chống tham nhũng là một trong những nội dung cốt lõi, trọng tâm của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đảng chỉ rõ: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, triệt để hơn, hiệu quả hơn. Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, lãng phí, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng, lãng phí, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Thứ hai, cùng với sự quán triệt trong chủ trương, đường lối, chỉ trong thời gian ngắn, nhiều quy định của Đảng, nhiều văn bản pháp luật của Nhà nước đã được ban hành nhằm tạo hành lang pháp lý cho phòng, chống tham nhũng hiệu quả. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước ta trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng và thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc nâng cao mức độ tuân thủ Công ước quốc tế về phòng, chống tham nhũng.

Thứ ba, với sự lãnh đạo sáng suốt, quyết liệt trong thực hiện của Đảng và Nhà nước ta, hoạt động phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã đạt được những kết quả vượt trội, củng cố được niềm tin của quần chúng nhân dân và sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế.

Năm 2022, theo Báo cáo Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) của Tổ chức Minh bạch quốc tế, Việt Nam là 1 trong số 6 quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương có tiến bộ nổi trội. Trong bảng xếp hạng CPI 180 quốc gia, vùng lãnh thổ, Việt Nam đã tiến 10 bậc, từ xếp thứ 87 (năm 2021) lên 77 (năm 2022).

Có phải phòng, chống tham nhũng sẽ làm suy yếu nền kinh tế?

Trước những thành tựu không thể phủ nhận của công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta, các thế lực thù địch lại tiếp tục sử dụng chiêu bài cho rằng chống tham nhũng sẽ làm suy yếu nền kinh tế, làm cho các hoạt động kinh tế bị tê liệt. RFA ngày 28-11-2022 đăng bài của Francesco Guarascio với luận điệu: “Cuộc chiến chống tham nhũng rộng khắp của Đảng Cộng sản Việt Nam đang khiến cho nhiều giao dịch kinh tế bị tê liệt, có thể ảnh hưởng đến đầu tư trực tiếp nước ngoài, giảm xuất khẩu”. Đài VOA tiếng Việt hôm 29-11-2022 rêu rao: Chiến dịch chống tham nhũng của Việt Nam làm tê liệt chuỗi cung ứng đầu tư, tê liệt nhiều giao dịch thông thường trong nước, gây ra tình trạng thiếu hàng hóa thiết yếu và làm giảm niềm tin của nhà đầu tư.

Luận điệu này là hoàn toàn không có cơ sở. Bởi:

Thứ nhất, tham nhũng được coi là một tệ nạn kéo lùi sự phát triển kinh tế của một quốc gia, hủy hoại uy tín, danh dự của lực lượng cầm quyền, lãnh đạo đất nước. Làm cạn nguồn đầu tư nội địa, gây thất thoát nghiêm trọng tài sản công, bào mòn ngân sách nhà nước, làm giảm đáng kể các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, gây trở ngại cho hoạt động kinh tế vĩ mô, kìm hãm hoạt động của các đơn vị kinh tế... Nếu không kịp thời ngăn chặn, tham nhũng sẽ trở thành hiểm họa nghiêm trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đe dọa đến tồn vong của chế độ.

Thứ hai, nếu chiến dịch chống tham nhũng làm tê liệt nền kinh tế thì hoạt động này sẽ không được cộng đồng quốc tế và các quốc gia đặc biệt quan tâm giải quyết vấn nạn này. Đơn cử, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 6-12-2021 cũng phải công bố chiến lược mới chống tham nhũng và chống các hoạt động tài chính bất hợp pháp. Bộ Tài chính nước này đưa ra các biện pháp xử lý những đối tượng lợi dụng thị trường bất động sản ở Mỹ để che giấu tài sản… nhằm làm trong sạch nội bộ và tiếp tục phát triển đất nước.

Trên thực tế, với tất cả những thành tựu đã đạt được trên mặt trận này, niềm tin của nhân dân đã từng bước được củng cố, vị thế của chúng ta trên trường quốc tế được nâng cao, Việt Nam đang trở thành thị trường được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm hướng đến.

Đánh giá về nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, trong cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày 18-11-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo đã nhấn mạnh: “Càng đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Đảng của chúng ta càng mạnh lên, càng củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, làm cho bộ máy trong sạch, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đồng thời bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực xấu, thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là “đấu đá nội bộ”, “phe cánh”, làm “nhụt chí” những người khác”.

_______
(*) Bài đoạt giải Nhì cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ ba năm 2023 của thành phố Hà Nội.

Theo HNM
Bình luận
Back To Top